Khó khăn bủa vây ngành lâm nghiệp: [Bài 3] Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng

         Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng loạt cán bộ ngành lâm nghiệp nghỉ việc là do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, việc tuyển mộ nhân sự mới cũng gặp nhiều khó khăn. 

         Nghề gian khổ mà ít được đãi ngộ
         Trên thực tế, hiện nay, ít có ngành nghề nào cực khổ như ngành lâm nghiệp. Những người làm trong ngành này tiếp xúc với con người ít hơn là tiếp xúc với cây rừng.
         Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các công ty lâm nghiệp thì gần gũi với những cánh rừng nhiều hơn là gần gũi với vợ con, gia đình. Hy sinh nhiều, nhưng cán bộ ngành lâm nghiệp nhận lại không được bao nhiêu.
         Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, trong sự nghiệp bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm, đặc biệt là lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tại chỗ đóng vai trò rất quan trọng. Họ là những người ngày đêm bám giữ rừng, không quản ngại vất vả, hiểm nguy.
         Theo Luật Lao động, người lao động làm việc không quá 48 giờ trong tuần, không quá 8 giờ trong ngày. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đang phải sống, sinh hoạt, làm việc tại rừng 24/24, mỗi tuần làm việc đến 5-6 ngày.
         Nhiều trạm quản lý, bảo vệ rừng ở vùng sâu, vùng xa không có điện lưới, không sóng điện thoại. Điều kiện sinh hoạt, đi lại rất khó khăn. Trong khi lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng phải thường xuyên tuần tra, kiểm tra dài ngày trong rừng, thậm chí có nhiều đêm phải tổ chức mật phục tại các điểm nóng thường xảy ra vi phạm về khai thác lâm sản.

         Lực lượng này còn phải trực tiếp đối mặt với các đối tượng vi phạm có sử dụng vũ khí, sẵn sàng tấn công, uy hiếp người đang làm nhiệm vụ, đe dọa tới tính mạng. Tuy nhiên, lực lượng này lại không được trang bị đầy đủ các công cụ hỗ trợ, vũ khí như lực lượng kiểm lâm. Bởi vậy, lâm tặc thường lợi dụng “lỗ hổng” này để sẵn sàng chống đối, đe dọa, tạo áp lực khi bị lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng phát hiện vi phạm.
         “Mặt khác, tại Điều 16 Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng có quy định: Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng được hưởng chế độ lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật; được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, được trang bị đồng phục, công cụ hỗ trợ, phương tiện, bảo hộ lao động và trang thiết bị cần thiết khác để bảo vệ rừng, PCCCR.
         Tuy nhiên, thực tế hiện nay lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đang phải làm việc trong điều kiện vô cùng cực nhọc, nguy hiểm nhưng tiền lương rất thấp, chưa có chế độ đãi ngộ, những gì họ được nhận chưa tương xứng với công việc được giao”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, chia sẻ.
         Cán bộ ngành lâm nghiệp không sống được từ thu nhập
         Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Nông, lực lượng kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh này nghỉ việc có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do áp lực và trách nhiệm trong công việc quá lớn, tần suất làm việc cao. Thêm vào đó, điều kiện công tác, đời sống sinh hoạt trong rừng khó khăn, sức khỏe không đảm bảo, môi trường làm việc nguy hiểm.

         Thế nhưng mức thu nhập hiện tại của ngành kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng rất thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của bản thân và gia đình. Do đó, hàng loạt công chức, viên chức và người lao động trong ngành lâm nghiệp ở tỉnh Đăk Nông xin nghỉ việc để chuyển sang ngành khác có thêm thu nhập cao hơn và được gần gũi với gia đình để chăm sóc con cái.
         Người trong ngành thì nghỉ việc, người ngoài ngành thì không màng đến xin việc vào ngành lâm nghiệp. Theo Chi cục Kiểm lâm Đăk Lăk, từ năm 2016 đến nay số lượng sinh viên theo học ngành lâm nghiệp tại Trường Đại học Tây nguyên rất ít. Đặc biệt, những năm gần đây không có học viên nào tham gia học ngành lâm nghiệp tại Đại học Tây Nguyên.
         Nguyên nhân được giải thích là do thu nhập, chế độ, điều kiện vật chất cũng như tinh thần của người làm trong ngành lâm nghiệp chưa bảo đảm. Nguồn thu nhập của các đơn vị chủ rừng chủ yếu là từ tiền hỗ trợ quản lý, bảo vệ rừng rất bèo bọt, chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu sinh sống của mỗi người. Theo thống kê, bình quân thu nhập của cán bộ ngành lâm nghiệp ở Đăk Lăk chỉ từ 4,5-7,5 triệu đồng/người/tháng. Trong khi thực tế nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng rất nặng nề, diện tích rừng và đất rừng quản lý rộng.
         Một số đơn vị phải giảm biên chế, nhất là đội ngũ làm công tác quản lý, bảo vệ rừng; thậm chí nhiều đơn vị phải vay mượn để thanh toán tiền lương cho các bộ, công nhân viên; tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm hiện xảy ra nhan nhản tại nhiều đơn vị.
         Ông Nguyễn Quốc Hưng Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đăk Lăk cho biết: “Lực lượng kiểm lâm của tỉnh theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt là 327 công chức kiểm lâm. Thế nhưng hiện nay lực lượng kiểm lâm mới có 217 công chức, tức là còn thiếu 110 công chức, tương đương mỗi một Hạt Kiểm lâm huyện thiếu từ 8 đến 10 công chức so với nhu cầu thực tế quy định.
         Do đó, có những trường hợp 01 công chức kiểm lâm phải kiêm nhiệm từ 5 - 6 xã với diện tích hàng chục ngàn ha rừng. Có 30% công chức trên 50 tuổi, số này không đảm bảo sức khỏe để tuần tra bảo vệ rừng và đối mặt xử lý các đối tượng manh động, chống đối lực lượng thi hành công vụ, trong khi đó với đặc thù địa hình, diện tích rừng rộng lớn, áp lực xâm hại rừng ngày càng cao của các tỉnh tại khu vực Tây Nguyên, thì để bảo vệ tốt diện tích rừng được giao đòi hỏi lực lượng kiểm lâm phải có độ tuổi thích hợp mới đảm bảo sức khỏe tốt để kiểm tra, tuần tra rừng và xử lý vi phạm”.

                                                 Nguồn: Theo báo nongnghiep.vn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang