Khó khăn bủa vây ngành lâm nghiệp: [Bài 5] Làm sao để níu chân cán bộ

         Thực trạng cán bộ lâm nghiệp bỏ việc không chỉ ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên, mà là của toàn ngành. Để bình yên những cánh rừng, cần có ngay chính sách phù hợp. 

         Những việc địa phương cần làm ngay
         Điều kiện làm việc, thu nhập của ngành kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao nên khó thu hút được cán bộ vào làm ngành lâm nghiệp. Đặc biệt, có một số trường hợp nộp hồ sơ vào thử việc tại các đơn vị chủ rừng nhưng chỉ 1-2 tháng sau đã xin nghỉ việc.
         Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, đã đến lúc các cấp thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành chính sách đặc thù về lâm nghiệp. Bổ sung các quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên, phụ cấp độc hại nguy hiểm và các chế độ ưu đãi khác.
         Bên cạnh đó là điều kiện làm việc để cải thiện thu nhập, đảm bảo đời sống cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thực hiện nhiệm vụ. Có như vậy mới  thu hút và níu chân được lực lượng này gắn bó tâm huyết với công việc lâu dài.
         Ông Cương nói cụ thể thêm: Cần quy định, nếu khi trực tiếp làm nhiệm vụ trong lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng mà bị thương được hưởng chế độ, chính sách thương binh như đối với lực lượng kiểm lâm. Tăng thẩm quyền trong việc trấn áp các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt, đối với các đối tượng có hành vi chống đối, có khả năng gây thương tích, nguy hiểm đến tính mạng cho lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng.
         Theo đó, cần trang bị cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng các loại công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị chuyên dùng có tính năng trấn áp khi đối mặt với các đối tượng xâm hại rừng có hành vi manh động, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện vi phạm.
         “Cần cụ thể hóa thẩm quyền tại Điều 14 về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trong Nghị định 01/2018/NĐ-CP ngày 01/01/2019 về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, nhằm đảm bảo các công cụ pháp luật cần thiết để các đơn vị chủ rừng, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thực hiện đảm bảo các quyền và nghĩa vụ có liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng được giao”, ông Đặng Kim Cương chia sẻ.
         Để kịp thời giải quyết tình trạng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách nghỉ việc trong thời điểm hiện nay, hiện Sở NN-PTNT Ninh Thuận đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng khẩn trương rà soát, nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan và tình hình thực tế về công tác quản lý, bảo vệ rừng tại đơn vị để đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ tạo thuận lợi trong công tác.
         Cần chính sách thu hút nhân lực
         Còn theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lăk, trước mắt, các đơn vị chu rừng cần quán triệt, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiện đang công tác giữ vững lập trường tư tưởng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ giao. Sớm tổ chức thi công chức năm 2022, đồng thời, không thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành lâm nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
         Để thu hút nhân lực cho ngành lâm nghiệp, Sở NN-PTNT Đăk Lăk đề xuất cấp thẩm quyền ban hành chính để các đơn vị chủ rừng liên hệ, làm việc với các cơ sở đào tạo để trao đổi, thông tin về cơ hội việc làm nhằm định hướng, thu hút học sinh, sinh viên tham gia học ngành lâm nghiệp.
         Mở rộng đối tượng tuyển dụng các chuyên ngành về công nghệ thông tin, quản lý đất đai, luật…; xét tuyển công chức, viên chức đối với người cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc.

         “Đã đến lúc cần quan tâm, đảm bảo chế độ tiền lương, phụ cấp, nghỉ ngơi đối với lực lượng quản lý bảo vệ rừng, đề xuất được hưởng một số chế độ, chính sách như lực lượng vũ trang. Đảm bảo đầy đủ trang thiết bị và các điều kiện làm việc theo quy định của pháp luật. Trong thời gian tới, cố gắng tạo điều kiện cho công chức, viên chức, người lao động công tác gần nhà để họ yên tâm công tác ổn định, lâu dài”, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lăk, đề nghị.
         Cũng theo ông Dương, vừa qua Sở NN-PTNT Đăk Lăk đã tham mưu UBND tỉnh có nhiều báo cáo, đề xuất, kiến nghị gửi Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết liên quan đến những ván đề nêu trên. Gần đây nhất, UBND tỉnh Đăk Lăk đã có báo cáo số 51/BC-UBND ngày 2/3/2022 kiến nghị Bộ NN-PTNT trong đó nêu cụ thể những bất cập và kiến nghị về cơ chế, chính sách về lâm nghiệp.
         “Để khắc phục tình trạng lực lượng kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng xin nghỉ việc, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành chính sách ưu đãi phù hợp đối với công chức, viên chức và người lao động, nhất là chính sách về tiền lương để đáp ứng với nhu cầu cuộc sống của những người đang làm trong ngành”, ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông.

                                                                     Nguồn: Theo báo nongnghiep.vn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang