Hội nghị trực tuyến chuyển đổi số trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

         Sáng ngày 18/6/2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 
         Chủ trì hội nghị: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT - Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng
         Tham dự hội nghị là đầu cầu 63 tỉnh, thành cả nước và 24 đơn vị thuộc Bộ. Tại điểm cầu Bình Thuận do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc 2 Sở và đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh.


         Sau phát biểu chỉ đạo hội nghị của hai Bộ trưởng về thực trạng và khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản của nước ta hiện nay và đặt vấn đề áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, Hội nghị tập trung thảo luận và làm rõ các nội dung cơ bản như: chuyển đổi số trong nông nghiệp là gì; cách thức thực hiện và áp dụng chuyển đổi số; những thuận lợi, khó khăn cũng như lợi ích mang lại cho người nông dân khi áp dụng chuyển đổi số.
         Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là việc làm không mới vì đã có rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thành công. Hiểu một cách đơn giản nhất “chuyển đổi số” là “thay đổi cách làm” nhờ “dữ liệu” và “công nghệ số”. Nông nghiệp số là nền nông nghiệp chuyển từ phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên, thị trường tiêu thụ sang sản xuất dựa trên dữ liệu và dự báo về điều kiện tự nhiên, nhu cầu, xu hướng và thị hiếu của thị trường tiêu thụ.
         Chuyển đổi số là việc áp dụng công nghệ để tổng hợp, biến những nguồn thông tin rời rạc, mù mờ, không có giá trị thành thông tin và dự báo có giá trị để định hướng sản xuất cho người nông dân. Để thực hiện chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm điều tra, khảo sát và cung cấp thông tin, giữ liệu khoa học đầu vào về hoạt động sản xuất nông nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông ứng dụng công nghệ để số hóa các thông tin đó thành dữ liệu mang tính dự báo phục vụ lại quá trình sản xuất. 
         Khi áp dụng chuyển đổi số người dân chỉ cần có điện thoại thông minh là thực hiện được và lợi ích mang lại là vô cùng to lớn. Với cách thức sản xuất truyền thống như hiện nay, người dân thiếu thông tin và rất khó tiếp cận về tư liệu, vật tư sản xuất đảm bảo chất lượng chất lượng, không được tư vấn và đào tạo về phương pháp, kỹ thuật sản xuất, phòng bệnh..., đặc biệt là phụ thuộc rất lớn vào thương lái trong việc tiêu thụ sản phẩm; với chuyển đổi số người dân được tiếp cận nhanh chóng với nguồn cung về vật tư sản xuất bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, được tư vấn nhanh chóng về kỹ thuật sản xuất, phòng trừ dịch bệnh, được tiếp cận thông tin thị trường và có thể bán trực tiếp sản phẩm đến tay người tiêu dùng thông qua các sàn giao dịch điện tử, có thể liên kết với nhau để cùng sản xuất và bán sản phẩm mình trước khi sản xuất, và hơn thế nữa người dân không những bán sản phẩm vật chất thông thường mà còn bán giá trị tinh thần đặc biệt của sản phẩm bao gồm: giá trị khác biệt về điều kiện tự nhiên, quá trình chăm sóc và các giá trị văn hóa đặc trưng khác...và còn rất nhiều lợi ích khác chưa thể liệt kê hết.
         Đặc biệt, qua trao đổi với Lãnh đạo tỉnh An Giang tại hội nghị về đề xuất hỗ trợ nông dân chẩn đoán bệnh cho cây lúa, hai Bộ trưởng nhất trí cử ngay Đoàn công tác gồm đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông và đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT ngay trong thứ 2 tuần tới (21/6/2021) sẽ vào làm việc với tỉnh An Giang để triển khai xây dựng dữ liệu "bác sĩ ảo" chẩn đoán bệnh và hướng dẫn chữa trị bệnh (trước mắt thí điểm cho cây lúa) chỉ thông qua hình ảnh chụp từ điện thoại thông minh.
         Kết thúc hội nghị 02 Bộ trưởng cùng quyết tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, hai Bộ trưởng nhất trí cử cơ quan đầu mối để thuận lợi trong quá trình phối hợp triển khai. Riêng đối với ngành Nông nghiệp và PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định trong thời gian tới sẽ có văn bản chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trực thuộc và địa phương để triển khai thực hiện. Với sự quyết tâm cao của người đứng đầu ngành, tin rằng trong thời gian không xa nền nông nghiệp Việt Nam sẽ là nông nghiệp số.

                                                                                                   - Nguyễn Bộ -

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang