Ngành nông nghiệp Bình Thuận đề nghị các địa phương, đơn vị chủ rừng tăng cường biện pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhờ đó, rừng được bảo vệ và phát triển ổn định.
Tuy nhiên qua theo dõi của ngành nông nghiệp Bình Thuận nắm bắt thông tin thì ở một số nơi, tình trạng lén lút phá rừng, lấy cắp lâm sản, lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra. Nhất là trên địa bàn khu vực vùng giáp ranh huyện Bắc Bình với các huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng hay vùng giáp ranh giữa các huyện Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh; vùng giáp ranh huyện Bắc Bình và huyện Tuy Phong. Bên cạnh đó, một số khu vực còn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao trong mùa khô năm nay.
Mới đây Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đã thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp IV (rất nguy hiểm) và cấp V (cực kỳ nguy hiểm) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, cảnh báo cháy rừng cấp IV đối với các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Đức Linh, Tánh Linh, Phú Quý, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết. Riêng địa bàn bàn các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam cảnh báo cháy rừng cấp V.
Trước tình hình trên, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, Sở này vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương, Chi cục Kiểm lâm và đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, cháy rừng và khai thác rừng trái pháp luật trong tình trạng nắng nóng còn kéo dài.
Theo ông Lê Thanh Sơn, Sở NN-PTNT yêu cầu thủ trưởng các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Bình Thuận, Sông Dinh tập trung chỉ đạo củng cố lực lượng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng của đơn vị để chủ động và hoạt động có hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra rừng.
Từ đó có biện pháp ngăn chặn không để tình trạng khai thác gỗ trái phép tiếp diễn trong lâm phần được giao; cũng như kiểm tra rừng, truy quét, đẩy đuổi lâm tặc ra khỏi lâm phần được giao. Tăng cường công tác bảo vệ rừng tại gốc; thường xuyên nắm thông tin, diễn biến trong lâm phần để có biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm.
“Thủ trưởng đơn vị chủ rừng nào để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, hành vi lấn chiếm đất rừng trên lâm phận được giao quản lý mà không có biện pháp ngăn chặn thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Lê Thanh Sơn nhấn mạnh.
Sở NN-PTNT Bình Thuận giao Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố chủ động tăng cường lực lượng kiểm lâm cùng phối hợp tốt với chủ rừng và chính quyền địa phương cấp xã kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý.
Trong đó, tập trung thống kê, điều tra, triệt phá những “đầu nậu”, chủ đường dây buôn bán lâm sản trái pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo quy chế phối hợp tại quyết định số 59 ngày 12/1/2024 của UBND tỉnh. Cùng với đó, tiến hành tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để giáo dục, răn đe, phòng ngừa; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật để tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động đấu tranh, phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Đối với địa bàn khu vực vùng giáp ranh huyện Bắc Bình với các huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng, vùng giáp ranh giữa các huyện Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh; vùng giáp ranh huyện Bắc Bình và huyện Tuy Phong, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận đề nghị Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm khẩn trương chỉ đạo Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng Bình Thuận kịp thời hỗ trợ lực lượng cho các đơn vị chủ rừng đảm bảo lực lượng mạnh, đủ khả năng ứng phó, xử lý tình huống xảy ra.
Đồng thời thường xuyên và chủ động nắm thông tin để tổ chức tuần tra, mật phục, đặc biệt là tại các khu vực giáp ranh thuộc địa bàn xã La Dạ, xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc với huyện Tánh Linh, cũng như các khu vực giáp ranh thuộc địa bàn xã Phan Lâm, xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình với các huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng.
Từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi khai thác lâm sản trái phép, phá rừng nhằm ổn định tình hình không để hình thành “điểm nóng” về khai thác lâm sản trái phép tại các khu vực trên.
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phải thường xuyên chỉ đạo tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động của các Hạt Kiểm lâm, trạm kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn qua đó xử lý nghiêm trường hợp tiêu cực, thiếu trách nhiệm, vi phạm tác phong, lề lối làm việc, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chủ động tham mưu Giám đốc Sở NN-PTNT xem xét kiểm điểm, xử lý nghiêm đối với người đứng đầu các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng hoặc tham mưu Sở báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý các tổ chức được giao quản lý, bảo vệ rừng nhưng thiếu trách nhiệm, không phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật lâm nghiệp trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng trên lâm phận được giao quản lý.
“Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở NN-PTNT đề nghị chỉ đạo chính quyền các xã trên địa bàn thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định; thường xuyên kiểm tra, nắm chắc thông tin di biến động của các đối tượng “đầu nậu”, chủ đường dây buôn bán lâm sản trái pháp luật trên địa bàn để phối hợp với lực lượng liên quan bảo vệ rừng đấu tranh, ngăn chặn hành vi khai thác, mua, bán, vận chuyển gỗ, săn, bắt động vật rừng trái phép. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý lâm sản”, ông Lê Thanh Sơn đề nghị.
Nguồn: Theo báo nongnghiep.vn