Hồi sinh vùng khô khát: Chuyện ghi ở hồ thủy lợi lớn nhất Bình Thuận
Từ ngày công trình hồ chứa nước Sông Lũy đưa vào sử dụng đã giúp vùng khô khát phía Bắc tỉnh Bình Thuận hồi sinh, không còn cảnh ruộng vườn bị khô hạn, thiếu nước.
Hồ thủy lợi đa mục tiêu
Những ngày trung tuần của tháng 7 vừa qua, chúng tôi đến công trình hồ chứa nước Sông Lũy thuộc địa phận xã Phan Lâm - Phan Sơn, huyện Bắc Bình. Đây là hồ chứa lớn nhất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tính đến thời điểm hiện nay, với tổng dung tích 99,9 triệu m3.
Hồ chứa nước Sông Lũy được khởi công vào tháng 2/2019 với tổng mức đầu tư 1.484 tỷ đồng do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 7, thuộc Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư và bàn giao đưa vào sử dụng vào tháng 10/2022.
Nhiệm vụ của công trình là tạo nguồn cấp nước tưới cho 24.200ha đất canh tác gồm khu tưới Châu Tá-812 và khu tưới Phan Rí - Phan Thiết bằng các hệ thống kênh hiện có. Cấp nước tưới, sinh hoạt và du lịch cho trạm bơm Lê Hồng Phong với lưu lượng 2m3/s. Đồng thời duy trì dòng chảy môi trường các tháng mùa khô; giảm lũ hạ du; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt nhằm cải thiện, nâng cao mức sống cho người dân trong vùng; kết hợp phát điện khoảng 5MW.
Ông Hồ Ðắc Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận khẳng định: Hồ Sông Lũy đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống của cộng đồng, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn của huyện phía Bắc tỉnh Bình Thuận. Nguồn nước hồ Sông Lũy là yếu tố quyết định đến năng suất mùa màng trong nông nghiệp, cung cấp nguồn nước cần thiết cho sản xuất nông lâm và các ngành nghề kinh tế khác, đồng thời thời giúp giảm thiểu tác động của hạn hán và lũ lụt.
Ngoài ra, hồ này cũng đóng vai trò quan trọng trong cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư ở khu vực nông thôn, đặc biệt là bổ sung nguồn nước cho thành phố Phan Thiết là trung tâm kinh tế chính trị của tỉnh. Điều này giúp cải thiện điều kiện sống và giảm thiểu khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sinh hoạt.
“Có thể nói hồ Sông Lũy không chỉ đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất mà còn phục vụ đa mục tiêu kinh tế - xã hội khác, phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch, rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh Bình Thuận”, ông Nghĩa chia sẻ.
Ruộng đồng hết khát
Theo ông Nghĩa, sau khi nhận bàn giao công trình hồ chứa Sông Lũy, công ty đã thành lập trạm quản lý, bố trí lực lượng để vận hành tích nước, điều tiết nước phục vụ sản xuất nhằm phát huy tối đa hiệu quả công trình.
“Trước đây, khi chưa có nguồn nước hồ Sông Lũy, hàng năm trên địa bàn các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc phải giảm thời gian tưới cho cây thanh long hoặc cắt giảm một số diện tích sản xuất lúa đông xuân. Đặc biệt, trong năm 2020, tình trạng hạn hán thiếu nước diễn ra gay gắt, 2 huyện trên phải cắt giảm gần 14.000ha lúa đông xuân”, ông Nghĩa chia sẻ và cho biết thêm, kể từ khi hồ Sông Lũy tích nước đã bảo đảm nguồn nước tưới cho 2 huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc.
Hàng năm, các địa phương không phải tính toán cân đối cắt giảm diện tích sản xuất. Hơn nữa, việc cấp nước tưới cho vùng hạ du bảo đảm ổn định, ít lệ thuộc vào lượng nước và thời gian chạy máy của thủy điện Đại Ninh.
Đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng rộng 600ha đang sản xuất lúa hè thu thuộc khu phố Bắc Sơn và khu phố Lương Đông, thị trấn Lương Sơn (huyện Bắc Bình), ông Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc Chi nhánh Bắc Bình thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận cho biết, trước đây, khi chưa có hồ Sông Lũy, việc sản xuất nơi đây gặp không ít khó khăn vì thiếu nước. Nhất là vào mùa khô, chính quyền địa phương phải huy động nhiều lực lượng dùng máy bơm nước từ sông vào để chống hạn. Do cánh đồng nằm trên gò cao, kênh mương tải nước xa hàng chục cây số nên khi nhà máy thủy điện ngừng phát điện khiến nước trên sông bị đứt, đồng nghĩa ruộng lúa bị khô khát, người dân cứ “khóc ròng”.
Nông dân Nguyễn Hữu Hảo, ở khu phố Lương Hòa, thị trấn Lương Sơn cho biết, trước đây tình trạng thiếu nước tưới khiến bà con sản xuất lúa rất vất vả, năng suất bấp bênh. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, khi hồ Sông Lũy đi vào hoạt động thì mọi việc đã được giải quyết ổn định, ruộng đồng không còn khô khát. Hơn nữa, nhờ sản xuất lúa đúng tiến độ, đúng thời vụ nên hiệu quả cây lúa mang lại cho bà con đạt năng suất cao hơn, tránh được sâu bệnh và rầy.
Còn nông dân Lục Tấn Hiền, tổ dân phố thôn Lương Bình, thị trấn Lương Sơn cho biết, từ ngày có nguồn nước dồi dào từ hồ Sông Lũy, bà con triển khai xuống giống vụ đông xuân sớm trước nửa tháng (cuối tháng 11 âm lịch) so với trước đây. Mừng hơn là bà con đã sản xuất được 3 vụ lúa/năm với năng suất trung bình đạt từ 750-800kg/sào (1.000m2), đặc biệt vụ đông xuân có nơi đạt 900kg/sào.
Như gia đình ông Hiền có diện tích 2ha, mỗi vụ ông thu hoạch trên 10 tấn lúa khô/ha, tương đương trên 60 tấn/2ha/năm. Năm ngoái, giá lúa có thời điểm lên đến 9.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông lãi trung bình khoảng 30 triệu đồng/ha, rất phấn khởi.
Ngoài sản xuất lúa, ông Hiền còn trồng hàng trăm trụ thanh long. Cây phát triển tươi tốt nhờ nguồn nước mát từ hồ Sông Lũy, từ đó giúp kinh tế của gia đình có mức thu nhập khá, ổn định cuộc sống.
Ông Huỳnh Văn Chương cho biết thêm, từ ngày có hồ Sông Lũy, với nguồn nước tích dồi dào, đơn vị đã chủ động cấp nước sản xuất cho người dân. Hàng năm toàn bộ diện tích sản xuất lúa của bà con Bắc Bình đã được gieo trồng, không còn tình trạng khô hạn bỏ vụ như trước đây. Hiện nay đơn vị có hợp đồng tưới cho gần 12.500ha cây trồng, trong đó 3.300ha thanh long và cây ăn trái, còn lại là diện tích lúa, cây màu.
Nguồn: theo báo nongnghiep.vn