Giám sát, kiểm dịch chặt chẽ chất lượng tôm giống

Các cơ sở sản xuất tôm giống Bình Thuận không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật để giữ vững uy tín, thương hiệu tôm giống. 
Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 128 cơ sở với 764 trại sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản, trong đó hơn 50 công ty có vốn đầu tư trong nước và 2 công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

anh tin bai

Ông Huỳnh Văn Thải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết, hàng năm, sản lượng tôm giống Bình Thuận sản xuất và tiêu thụ trên 25 tỷ con. Để nâng cao chất lượng tôm giống, nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh không ngừng mở rộng quy mô, đầu tư trang thiết bị hiện đại và đội ngũ kỹ thuật lành nghề để giữ vững uy tín và thượng hiệu tôm giống Bình Thuận.
Điển hình như Công ty Cổ phần Thủy sản Việt Úc, Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, Công ty TNHH Thuỷ sản Công nghệ cao Việt Nam - Chi nhánh Bình Thuận, Công ty TNHH Trường Thịnh… đã ứng dụng công nghệ chẩn đoán bệnh thủy sản bằng phương pháp RT-PCR, công nghệ xử lý nước đầu vào phục vụ sản xuất, công nghệ nuôi cấy tảo tươi làm thức ăn cho ấu trùng tôm, công nghệ nâng, giảm nhiệt độ nước trong ương nuôi ấu trùng tôm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng tôm giống.

anh tin bai

Theo bà Đỗ Thị Hương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Thuận, từ năm 2017 khi được giao nhiệm vụ, Chi cục đã tổ chức quản lý các yếu tố đầu vào quan trọng như: giống bố mẹ, thuốc thú y thủy sản dùng trong sản xuất giống, thực hiện an toàn sinh học trong hoạt động sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng tôm giống Bình Thuận.
Theo đó, về tôm bố mẹ, Chi cục đã kiểm soát tốt số lượng, chất lượng, thời gian cách ly sau kiểm dịch, đồng thời phối hợp Chi cục Thủy sản giám sát thời hạn sử dụng của tôm bố mẹ nhập khẩu, nhập từ tỉnh khác về Bình Thuận dùng trong sản xuất tôm giống.
Trong năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Thuận đã triển khai giám sát cách ly kiểm dịch 72.240 con/82 lô tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu. Cùng với đó, giám sát cách ly tôm bố mẹ của Công ty Cổ phần Việt - Úc nuôi trong nước 17.658 con/23 lô, trong đó 8.058 con/11 lô tôm nuôi từ Bình Thuận và 9.600 con/12 lô tôm nuôi từ Ninh Thuận.
Ở đầu ra về chất lượng tôm giống sản xuất, Chi cục đảm bảo thực hiện đúng quy định theo Luật thú y và Thông tư số 26 ngày 30/6/2016 của Bộ NN- PTNT.
“Tất cả các lô tôm giống đã được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất tỉnh phải cho kết quả xét nghiệm âm tính với các bệnh theo quy định như hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND); đốm trắng do virus trên tôm (WSD) và hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHND)”, bà Đỗ Thị Hương chia sẻ và cho biết thêm, năm 2023, Trạm Xét nghiệm, Kiểm dịch thủy sản Vĩnh Tân đã xét nghiệm hơn 1.600 mẫu. Tất cả các mẫu này đều cho kết quả âm tính với các bệnh nêu trên.
Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay, Chi cục đã tổ chức lấy mẫu giám sát chủ động, gửi xét nghiệm 223 mẫu tôm post, nhanh chóng gửi kết quả xét nghiệm đến các cơ sở để có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện các tác nhân gây bệnh (nếu có).

anh tin bai

Đồng thời, từ năm 2018 đến nay, Chi cục đã lấy và gửi xét nghiệm tổng số 1.139 mẫu các loại (mẫu tôm post, mẫu thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ, mẫu nước hồ nuôi tôm), kết quả đã giúp các doanh nghiệp tham gia chương trình nhận biết những vấn đề còn tồn tại để điều chỉnh các khâu trong quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng tôm giống tốt nhất.
“Nhờ làm tốt công tác quản lý nhà nước cũng như tuyên truyền, phổ biến các quy định về thú y thủy sản, nên trong những năm qua, chúng tôi chưa phát hiện, cũng như chưa nhận được phản ánh từ các địa phương tiêu thụ tôm giống về tình trạng tôm giống kém chất lượng, không qua kiểm dịch khi xuất ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp kết quả xét nghiệm tôm giống dương tính với các tác nhân gây bệnh nguy hiểm khi triển khai lấy mẫu giám sát chủ động theo kế hoạch phòng, chống dịch bệnh hàng năm của tỉnh hoặc Chương trình giám sát một số dịch bệnh nguy hiểm trên tôm giống của Bộ NN-PTNT. Đối với những trường hợp này, chúng tôi ngay lập tức cử cán bộ đến làm việc tại cơ sở, có thể tiến hành lấy mẫu để gửi xét nghiệm khẳng định hoặc tiến hành tiêu hủy theo đúng quy định.” bà Đỗ Thị Hương thông tin.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Thuận, tỉnh Bình Thuận đã có 2 doanh nghiệp được được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các bệnh đăng ký giám sát theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH) và quy định của Việt Nam. Sắp tới, sẽ có 9 doanh nghiệp sản xuất tôm giống đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo Thông tư số 24 ngày 30/12/2022 của Bộ NN-PTNT về quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

                                                           Nguồn: Theo báo nongnghiep.vn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang