Kinh nghiệm cộng đồng quản lý, bảo vệ thủy sản của Bình Thuận

Trước khi nguồn lợi thủy sản Bình Thuận được hồi phục, có ngư dân chỉ thu về 500.000 đồng sau đêm đánh cá, nay đã kiếm tới 10 triệu đồng mỗi chuyến đi. 
Trao quyền cho cộng đồng ngư dân
Từ bao đời nay, biển luôn gắn bó chặt chẽ với mọi hoạt động sản xuất và đời sống của người dân Bình Thuận. Với bờ biển dài 192km, vùng lãnh hải, ngư trường rộng lớn lên đến 52.000km2, vùng biển Bình Thuận không chỉ là nguồn tài nguyên quý báu mà còn là một phần không thể thiếu của cả hệ sinh thái biển Việt Nam.
“Bình Thuận được thiên nhiên ưu ái với nguồn lợi thủy sản phong phú và đánh giá là một trong ba vùng ngư trường quan trọng nhất của đất nước”, ông Huỳnh Quang Huy, Chủ tịch Hội nghề cá Bình Thuận chia sẻ. “Ngư dân của chúng tôi sống bằng nghề này suốt nhiều thế hệ. Tuy nhiên, từng có thời điểm biển Bình Thuận không còn một con gì, đối mặt với tình trạng cạn kiệt tài nguyên”.
Kể từ năm 1990-1995, khi còn là Chi cục trưởng Chi cục kiểm ngư Bình Thuận, ông Huy theo dõi nguồn lợi thủy sản của tỉnh. Ông kinh ngạc phát hiện ra rằng, không có một sinh vật biển nào còn tồn tại trong vùng khảo sát 100m2 do giã cào bay khai thác tận diệt, tàn phá môi trường biển.

anh tin bai

Chi cục kiểm ngư địa phương ngày đó nhận nhiều phản ứng từ cộng đồng ngư dân Bình Thuận. Những lời bất mãn, trách móc và thậm chí là chỉ trích đều nêu lên vấn đề chung: làm thế nào để bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho thế hệ tiếp nối.
Công việc quản lý của ông gặp nhiều khó khăn vì chỉ có ba tàu kiểm ngư giám sát khu vực biển rộng lớn. Trong khi đó, tàu của ngư dân vi phạm luật thường chạy nhanh hơn và khó bắt giữ.
Đối mặt với những thách thức này, ông Huy và đội ngũ cán bộ quản lý đã quyết định chia sẻ trách nhiệm quản lý nguồn lợi thủy sản với cộng đồng. “Chúng tôi tin rằng việc này sẽ tạo ra một sự hiểu biết sâu rộng hơn về tình trạng của nguồn lợi biển, từ đó tăng cường khả năng tái tạo tài nguyên của chính người dân địa phương”, ông Huy tỏ ý lạc quan.
Lan tỏa ý thức gìn giữ nguồn lợi thủy sản
Chi cục kiểm ngư Bình Thuận quyết định trao quyền quản lý nguồn lợi thủy sản của tỉnh cho cộng đồng năm 2008, đánh dấu bước ngoặt đối với nghề cá địa phương. Công tác phối hợp quản lý vừa thể hiện sự đồng thuận giữa kiểm ngư - ngư dân, vừa giải quyết tình trạng quá tải hệ thống, thiếu nhân lực. Để hiện thực hóa việc này, Chi cục nỗ lực thuyết phục người dân tham gia dự án, cam kết hỗ trợ ngư dân tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Tuy nhiên, việc thuyết phục cộng đồng không hề dễ dàng. Trong số hàng chục người mà ông Huy tiếp cận, chỉ có 5 người đồng ý tham gia dự án.
Từ 5 người nòng cốt, Chi cục Kiểm ngư Bình Thuận hình thành Ban vận động cộng đồng gồm 10 người được UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức kỳ đại hội đầu tiên; được một doanh nghiệp địa phương đầu tư 4 tỷ đồng. Những bước tiến vững chắc tạo nền tảng cho sự thành công của dự án.
Sau 2 năm triển khai dự án, tình trạng giã cào bay, tàu xâm phạm giảm 90%. Trước đó, giã cào bay gây hại nghiêm trọng cho môi trường biển, diện tích 100m2 không còn sinh vật nào sống sót, nhưng đến năm 2015, có tới 426 đối tượng thủy sản trên 1m2.
Ông Huỳnh Quang Huy nói: “Cộng đồng ngư dân Bình Thuận tự nguyện đứng lên bảo vệ, quản lý vùng biển, đồng hành cùng Chi cục Kiểm ngư tỉnh. Điều này thực sự là bước tiến lớn: chúng tôi đã khôi phục thành công nguồn lợi thủy sản, cộng đồng hiểu ý nghĩa của sự đồng lòng, hợp tác. Họ tự mình đứng ra bảo vệ, phục hồi biển”.
Với sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Bình Thuận triển khai 3 dự án ngư dân - kiểm ngư đồng quản lý 43km2 dọc theo bờ biển xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam.
Huyện Hàm Thuận Nam là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện được việc công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo điều 10, Luật Thủy sản năm 2017.

anh tin bai

Năm 2016, UBND huyện Hàm Thuận Nam ban hành thành lập Hội Cộng đồng ngư dân quản lý, khai thác nguồn lợi sò lông xã Thuận Quý với 50 thành viên. Tuy chưa có khung chính sách cụ thể về đồng quản lý, Hội chủ động xây dựng quy chế tham gia; tăng cường phối hợp đồng thời năng lực của các bên liên quan; trao đổi thông tin xuyên suốt để công tác phối hợp đồng bộ, hiệu quả cao.
Đặc biệt, đã khôi phục bãi sinh sản của nguồn lợi sò lông tại Thuận Quý, các bãi rạn, bãi san hô ngầm được bảo vệ cùng với việc thả bổ sung các cụm rạn nhân tạo, giúp nguồn lợi thủy sản sinh sôi, góp phần tăng thu nhập cho ngư dân vùng biển.
Bên cạnh đó, các hội xây dựng, vận hành 3 quỹ vay vốn sinh kế với tổng vốn ban đầu là 440 triệu đồng. Thông qua nguồn quỹ này, các hội viên có thể vay xoay vòng để đầu tư vào các hoạt động nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ nhỏ lẻ, tạo điều kiện cho ngư dân vượt qua khó khăn, nâng cao thu nhập.
Công tác thả giống tái tạo được thực hiện để khôi phục lại nguồn lợi sò lông, vốn là nguồn sống chính của ngư dân, đã và đang suy kiệt. Theo báo cáo của UNDP, năm 2017 đã thu gom và thả xuống biển 114 tấn sò giống, trong đó cộng đồng huy động đóng góp 60%. Việc khai thác sò lông tuân thủ theo đúng quy định của Nhà nước, Quy chế Hội và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nhằm đảm bảo nguồn lợi phát triển một cách bền vững
Sau khi nguồn hỗ trợ của UNDP kết thúc, các mô hình vẫn hoạt động hiệu quả, người dân ngày càng tự giác tham gia, cộng đồng phát triển mạnh mẽ.
Ông Huỳnh Quang Huy vui mừng thông báo: “Trước khi nguồn lợi thủy sản được hồi phục, có người chỉ thu về 500.000 đồng sau một đêm đánh cá. Nhưng gần đây, họ kiếm tới 10 triệu đồng mỗi chuyến đi. Có người dân nói với tôi, suốt 40 năm qua mới thấy điều này. Cá quay về, mực quay về, và lần đầu tiên từ năm 1976, tôm bạc đã quay về”.
Đối với Chi cục trưởng Quang Huy ngày ấy, do thiếu kinh nghiệm kỹ thuật, ông cũng dựa vào kiến thức bản địa để triển khai dự án. Ngư dân sử dụng lá cây, kết vỏ trai để tạo ra những cụm trà nhân tạo và cổng xích để giữ chúng ổn định trên mặt nước. Đến nay, những người chưa từng tham gia Hội cộng đồng cũng được giao trách nhiệm giữ các cụm trà đó.
“Khi được tôn trọng và giao quyền, ngư dân làm việc không phải vì tiền bạc. Sự hỗ trợ và lợi ích từ dự án lan rộng đến tất cả các hộ gia đình trong vùng, thậm chí cả các huyện lân cận, hàng nghìn lao động hưởng lợi. Ngư dân Bình Thuận tiếp tục làm việc không chỉ vì lợi ích cá nhân, mà còn vì lợi ích của cộng đồng và môi trường biển”, ông Huy hy vọng phong trào đồng quản lý sẽ lan tỏa toàn quốc.
Mở rộng vai trò đồng quản lý
Để nhân rộng quy mô hợp tác giữa kiểm ngư - ngư dân các địa phương ven biển, ông Huy nhấn mạnh sự cần thiết nghiên cứu và xây dựng thông tư hướng dẫn về thực hiện đồng quản lý nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư kinh phí, ban hành các chính sách hỗ trợ cho các địa phương thực hiện.
Chủ tịch Huỳnh Quang Huy nói: “Cho đến nay, tất cả những người đang hoạt động trong lĩnh vực cộng đồng chưa nhận sự hỗ trợ chính thống nào. Tất cả chỉ là từ tiền của dự án. Dù Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận đã cấp ngân sách 500 triệu đồng để tổ chức các khóa tập huấn hỗ trợ cộng đồng, tôi cho rằng số tiền này chưa đủ. Vì ngoài việc tập huấn, cộng đồng cũng cần được dạy và đào tạo lâu dài. Họ cần được hướng dẫn cách cách làm đúng dựa trên nhiệm vụ cụ thể”.
Ông Huy lấy ví dụ điển hình ở Nhật Bản, 100% các vùng biển ven bờ đã được chính quyền giao cho cộng đồng quản lý. Thậm chí, ngư dân Nhật còn vươn ra nước ngoài, như Na Uy, hỗ trợ quản lý vùng biển mà Nhật Bản đánh cá. “Họ thành công nhờ hệ thống từ trên xuống dưới, với các tình nguyện viên từ cấp cao đến cấp dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành thủy sản ở Nhật”, ông phân tích.

anh tin bai

Như vậy, để hỗ trợ cộng đồng ngư dân Bình Thuận nói riêng và trên cả nước nói chung, Nhà nước cần duy trì truyền thống, đam mê nghề cá, bên cạnh cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho cộng đồng ven biển. Ông Huy cho rằng, sự ra đời của một Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản quốc gia sẽ là nguồn lực thiết yếu cho ngư dân.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo sinh kế cho bà con ven biển, cần thêm đầu tư tài chính, đào tạo nghiệp vụ ngành du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Cần có thêm doanh nghiệp vận tải, cung cấp dịch vụ, tổ chức tour lữ hành… tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định về an toàn. Theo đó, mô hình đồng quản lý có thể vượt ra ngoài hợp tác giữa kiểm ngư và ngư dân, mở rộng tới các doanh nghiệp, đảm bảo sự bền vững của các hoạt động kinh tế và môi trường trong cộng đồng.
Theo UNDP, “đồng quản lý nghề cá” có thể được định nghĩa như một sự sắp xếp phối hợp trong đó cộng đồng người sử dụng nguồn lợi (ngư dân), chính quyền (xã, huyện, tỉnh, Trung ương), các bên tham gia khác (chủ thuyền, thương cá, đóng tàu, người làm kinh doanh), các tổ chức khác (tổ chức phi chính phủ, trường đại học và cơ quan nghiên cứu) chia sẻ trách nhiệm, quyền hạn trong việc quản lý nghề cá.

                                                           Nguồn: Theo báo nongnghiep.vn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang