Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nuôi trồng thủy sản

         Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất hiện nay. Nó đang có những tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế, trong đó có nuôi trồng thủy sản, trực tiếp tác động, làm thay đổi các yếu tố môi trường sinh thái của động vật thủy sản ngoài tự nhiên và trong ao nuôi.
         Bình Thuận là một tỉnh ven biển, có điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó có sản xuất tôm giống, nuôi thương phẩm tôm nước lợ và  nuôi lồng bè trên biển. Theo Cục thống kê tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, diện tích nuôi cá ước đạt 1.423 ha, diện tích nuôi tôm đạt 336 ha, tăng tương ứng 1,7% và 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Bình Thuận cũng là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu.

anh tin bai

         Một số tác động của biến đổi khí hậu đến nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Bình Thuận bao gồm:
         Tăng nhiệt độ: Nhiệt độ tăng là một trong những tác động rõ ràng nhất của biến đổi khí hậu.
         Theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàng năm, nhiệt độ nước ta có khả năng tăng khoảng 0,3 - 0,50C, thậm chí nhiệt độ có thể tăng thêm 30C vào cuối năm 2100. Tuy nhiên, nhiệt độ không phải tăng đều và tính cực đoan ngày càng mạnh thêm.
         Nhiệt độ ảnh hưởng đến rất nhiều yếu tố khác trong nước, đặc biệt là chất lượng nước, đồng thời, cũng ảnh hưởng đến khả năng thích nghi sinh trưởng và phát triển, làm suy giảm sức đề kháng của vật nuôi, từ đó làm tăng nguy cơ dịch bệnh.
         Nhiệt độ nước tăng là một trong những yếu tố thuận lợi gây hiện tượng “thủy triều đỏ”, sản sinh ra độc tố, làm giảm nồng độ oxy trong nước, khiến các loài sinh vật biển, các loài cá... chết hàng loạt. Tại Bình Thuận, hàng năm đều ghi nhận ảnh hưởng của “thủy triều đỏ” đến các vùng nuôi lồng bè trên biển (đối tượng nuôi là cá bóp, cá mú, cá chim, tôm hùm, …) ở huyện đảo Phú Quý, Tuy Phong, …
         Bên cạnh đó, nhiệt độ nước biển ngày càng tăng, đặc biệt là hiện tượng “sóng nhiệt” vào mùa hè sẽ làm giảm nồng độ oxy hòa tan trong nước (DO), là nguyên nhân trực tiếp làm thủy sản chết, hoặc làm sức đề kháng suy giảm, tạo cơ hội để các mầm bệnh gây hại cho vật nuôi. Trong những năm qua, các vùng nuôi lồng bè trên biển tại Bình Thuận đều có ghi nhận xảy ra thủy sản nuôi chết nhiều, chết đột ngột vào mùa hè, mùa biển lặng.
         Tăng cường độ và tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan: Biến đổi khí hậu cũng làm tăng cường độ và tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, hạn hán. Những hiện tượng này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến các ao nuôi, làm chết tôm cá và ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
         Bình Thuận là một trong những tỉnh ở khu vực miền Trung và Tây nguyên chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan, trong đó bão, lũ lụt và hạn hán thường xuyên và nguy hiểm nhất.
         Điều dễ nhận thấy là cứ sau mỗi mùa gió Đông Bắc, đường bờ biển ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh lại tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa và gây thiệt hại  hạ tầng kỹ thuật cho các trại sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh (đều được xây dựng ven biển): khu sản xuất tôm giống tại xã Vĩnh Tân - huyện Tuy Phong (được đánh giá là thủ phủ tôm giống của cả nước) và khu sản xuất tôm giống tại xã Tiến Thành - TP. Phan Thiết.
         Hay như cuối tháng 11/2022, mưa lớn nhiều ngày làm lượng nước đổ về hồ thủy lợi Trà Tân (xã Tân Hà - huyện Đức Linh) làm đục nước, các yếu tố môi trường thay đổi gây bất lợi cho các loài thủy sản đang thả nuôi dưới hồ (cá trắm, chép, trôi, mè trắng, …), làm giảm sức đề kháng, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập và gây bệnh. Cá chết bị mất nhớt, trắng mang, xuất hiện vài đốm đỏ trên thân. Kết quả xét nghiệm mẫu cá đã phát hiện có vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây bệnh xuất huyết ở 03/03 mẫu xét nghiệm.
         Nước biển dâng: Nước biển dâng là một tác động lâu dài của biến đổi khí hậu. Nó có thể làm ngập lụt các ao nuôi, làm giảm diện tích nuôi trồng thủy sản và ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.
         Tóm lại, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, các yếu tố sinh thái như nhiệt độ, hàm lượng Ôxy hòa tan, pH,… sẽ thay đổi, phần lớn là theo hướng tiêu cực, vượt quá khả năng chịu đựng (gây strees hoặc gây chết) hoặc không thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển bình thường của vật nuôi (còi cọc, chậm lớn, giảm năng suất). Bên cạnh đó làm tăng tính độc của một số yếu tố trong nước (NH3, H2S, NO2...), tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh vật gây bệnh cho vật nuôi phát triển. Nếu không theo dõi chặt chẽ và áp dụng các biện pháp kỹ thuật thì nguy cơ cao sẽ xảy ra dịch bệnh và lây lan ra diện rộng.
         Để ứng phó với tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đến nuôi trồng thủy sản, cần có các giải pháp đồng bộ, bao gồm:
         • Nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu và tác động của nó đến nuôi trồng thủy sản.
         • Áp dụng các kỹ thuật nuôi trồng thủy sản bền vững, thân thiện với môi trường.
         • Xây dựng các hệ thống ao nuôi có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
         • Tăng cường nghiên cứu và phát triển các giống thủy sản thích nghi với biến đổi khí hậu.
         • Tăng cường công tác quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản nhằm cảnh báo sự thay đổi của các yếu tố môi trường, có biện pháp xử lý kịp thời để hạn chế thiệt hại.
         Biến đổi khí hậu là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng chúng ta vẫn có thể hạn chế tác động của nó đến nuôi trồng thủy sản bằng cách thực hiện các giải pháp đồng bộ./.

                                                           - Đào Duy Anh Vũ -

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang