Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông dân luôn ở vị trí trung tâm của nông nghiệp, nông thôn
Ngày 29/5, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ tư sẽ được tổ chức tại Sơn La. Hội nghị diễn ra vào đúng thời điểm cả nước đã tổ chức phòng, chống dịch Covid-19 và chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất lịch sử thành công, cả nước bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó có phục hồi sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, đây cũng là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với mục tiêu “Xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Trao đổi với Dân Việt về sự kiện Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam vào ngày mai, 29/5, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khẳng định, Hội nghị diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030 nên càng có ý nghĩa lớn, bởi để thực hiện chiến lược này, nông dân đứng ở vị trí trung tâm, chủ thể.
Bộ trưởng đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ tư?
Tôi nghĩ rằng việc Thủ tướng tổ chức đối thoại với nông dân ngay sau khi phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững là sự kiện có ý nghĩa lớn. Chiến lược không nhắc đến từ nông dân nhưng để thực hiện thành công thì nông dân là người có ý nghĩa quyết định.
Thông qua Hội nghị này, chúng ta chờ đợi những quyết sách mới để xây dựng một thế hệ nông dân mới, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh đúng như kỳ vọng của Chiến lược đề ra, bởi dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nông dân luôn đứng ở vị trí trung tâm, là chủ thể, quyết định đến những thành quả tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
Có thể thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua, nông nghiệp vẫn vững vàng thể hiện vị trí trụ đỡ của nền kinh tế. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về thành quả này và vai trò của nông dân ra sao trong hành trình tạo nên thành quả đó?
Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ vững vàng với tốc độ tăng trưởng đạt 2,98%; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 48,6 tỷ USD.
Ngay trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đã đạt gần 17,9 tỷ USD, tăng tới 15,6% so với cùng kỳ.
Trong sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp thời gian qua có hình ảnh của những nông dân cần mẫn, chịu khó, đóng góp chung cho đất nước.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế trong gian khó và những người nông dân góp phần làm nên trụ đỡ đó.
Tôi có dịp đi nhiều địa phương và nhận thấy, trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nông dân đã có đóng góp nhiều cho chương trình, mang lại thành tựu to lớn, toàn diện cho đất nước.
Người dân không ngại hiến đất, ngày công, tiền bạc để hoàn thành các công trình hạ tầng, làm đẹp cho quê hương, đất nước.
Một hình ảnh xúc động tôi vừa gặp trên mạng là một bà cụ 90 tuổi vẫn hàng ngày cần mẫn đi thu gom rác ở đường làng, đó là hình ảnh đầy trân quý, đầy xúc cảm về hình ảnh của người nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn.
Người nông dân đã là lực lượng chủ lực trong cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ đất nước thì trong cuộc cách mạng tái cơ cấu nông nghiệp lần này, họ cũng vẫn là chủ thể để đưa nền nông nghiệp sản xuất theo phương thức truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại, thông minh, tiếp cận với xu thế của thế giới.
Một lần nữa, nông dân là những người đứng ở vị trí trung tâm, là chủ thể trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đúng với kỳ vọng của Thủ tướng tại Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là: Nông dân là trung tâm của toàn bộ ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Tại 2 hội nghị gần đây Bộ Chính trị tổ chức về phát triển bền vững khu vực miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long, trong các bài tham luận, Bộ trưởng đều nhắc đến rất nhiều sự thay đổi của nông dân. Vậy theo Bộ trưởng, hạn chế lớn nhất của nông dân là gì?
Ngày nào tôi cũng nhận được những thông tin của nông dân ở khắp mọi miền đất nước, từ chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt,… Thông qua đó tôi hiểu được câu chuyện của họ, suy nghĩ cũng như nhu cầu của họ, cái mà bà con đang thiếu.
Theo tôi khi chúng ta chưa hiểu được nông dân đang nghĩ gì cần gì, thiếu gì thì mọi đề án, chiến lược sẽ không thể thành công vì nông dân là người đầu tiên đặt hạt giống xuống đồng ruộng, là người đầu tiên thả con giống xuống chuồng trại, ao hồ, hay nói các khác nông dân là người mở đầu chuỗi ngành hàng.
Tất nhiên các nhà khoa học, doanh nghiệp sẽ đồng hành, giúp sức cho nông dân nhưng để tạo nên cuộc cách mạng trong sản xuất thì sự thay đổi phải từ nông dân.
Do vậy, tôi cho rằng, tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân sắp tới sẽ là cơ hội để người nông dân bày tỏ những suy nghĩ, tâm tư của mình với người đứng đầu Chính phủ. Tuy nhiên dù là ở bất kỳ ngành nghề nào tôi chỉ muốn nói sự thay đổi đầu tiên phải là nông dân.
Bộ trưởng đã nhiều lần nói về những thay đổi, biến động, bất định của thị trường. Vậy, trong bối cảnh đó, người nông dân cần phải thay đổi những gì?
Người nông dân phải có tinh thần hợp tác, bởi với nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, chúng ta khó đối chọi với thị trường, với bất kỳ biến đổi nào của thị trường.
Theo tôi, người nông dân cần mạnh mẽ tham gia hợp tác xã, kinh tế tập thể bởi khi nông dân còn sản xuất riêng lẻ thì dù có bất kỳ sự hỗ trợ nào cũng sẽ phải đối mặt với rủi ro thị trường. Thậm chí, khi còn sản xuất riêng lẻ thì sự cạnh tranh lẫn nhau cũng làm bà con khó khăn thêm. Ví dụ, người mua trước sẽ mua giá cao, bán trước lại bán giá thấp, như vậy cả hai đầu vào đầu ra của thị trường sẽ bào mòn, thu hẹp thu nhập của nông dân.
Do vậy, làm sao phát triển kinh tế tập thể mạnh mẽ là trăn trở của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng của Bộ NNPTNT, các địa phương trong thời gian tới.
Trên thực tế, ở các nước có nền nông nghiệp phát triển, mọi sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước đều thông qua hợp tác xã, nghiệp đoàn, từ hoạt động của hợp tác xã sẽ tạo ra giá trị giá tăng cao hơn cho nông dân.
Tôi xin khẳng định lại một lần nữa, người nông dân sẽ không thể đối đầu với sóng gió thị trường khi vẫn giữ một nền sản xuất riêng lẻ, manh mún. Nhiều mảnh đất nhỏ nếu biết hợp sức lại sẽ thành lớn. Bởi sản xuất nhỏ thì chi phí cao, không xây dựng được thương hiệu, không kết nối được thị trường.
Trong những bài viết của Bộ trưởng gần đây có nhắc đến rất nhiều mô hình khởi nghiệp, đột phá sáng tạo trong nông nghiệp. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những tín hiệu này?
Tôi đánh giá đó là những tín hiệu vô cùng lạc quan, bởi khi gặp rủi ro bà con đã sử dụng nguyên liệu làm phân hữu cơ để giảm tỷ lệ phân vô cơ, thuốc hóa học giữa cơn bão giá. Làm sao để kết nối để những mô hình đó lan tỏa.
Từ những mô hình này tôi cho rằng hơn lúc nào hết bà con phải mạnh dạn chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tư duy lấy thị trường quyết định sản xuất. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng đứt gãy, chi phí vận chuyển tăng, thiên tai, bão giã, mọi cái đều khó, nhưng nếu chúng ta không thay đổi thì cái khó đó càng khó hơn.
Hiện, chúng ta mới sản xuất cái thị trường cần chứ không phải cái ta đang có, cái chúng ta đang có là sản phẩm nằm trên đồng, dưới ao, một khi ra thị trường được mới là thương phẩm. Muốn trở thành thương phẩm phải đáp ứng chuẩn mực thị trường. Nếu không đáp ứng được thì sẽ bán ở mức thấp nhất.
Do vậy, nhiệm vụ của ngành chức năng, các địa phương, đoàn thể là hỗ trợ để nông dân thay đổi, hợp tác với nhau, thuyết phục họ bằng ngôn ngữ gần dân để nông dân thay đổi. Phải để bà con hiểu không thể lấy tư duy cũ để đáp ứng cho một thị trường đã thay đổi.
Thị trường bây giờ đòi hỏi chất lượng sản phẩm không chỉ cao hơn mà còn minh bạch, thân thiện với môi trường. Đây là câu chuyện của tự thân mỗi nông dân, trong đó, chuyên gia, nhà khoa học, ngành chức năng sẽ đồng hành, hỗ trợ.
Để thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ ưu tiên những giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?
-Hiện, Bộ NNPTNT đang có chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu lớn ở các vùng sinh thái. Theo đó, mọi chính sách hỗ trợ sẽ không qua hộ mà thông qua hợp tác xã để bà con thấy vào hợp tác sẽ có chỗ dựa, có động lực để phát triển.
Như vậy, các chính sách hỗ trợ sẽ không đi qua hộ nữa mà thông qua hợp tác xã; thông qua hợp tác xã, Nhà nước, ngành chức năng sẽ hỗ trợ cả về thị trường chứ không chỉ vốn, giống, mà muốn hỗ trợ về mặt thị trường, đẩy mạnh chế biến thì không thể thông qua hộ, chỉ khi vào hợp tác xã, quy mô đủ lớn thì mới có thể hỗ trợ.
Làm theo cách này, nguồn lực của Nhà nước cũng ít đi mà nhiều nông dân lại được hưởng lợi.
Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt. Để đạt được mục tiêu Chiến lược đề ra, theo Bộ trưởng cần giải pháp gì?
- Chiến lược tuy không có từ nông dân nhưng luôn xem nông dân là chủ thể, đặt nông dân ở vị trí trung tâm. Do vậy, để đạt được mục tiêu Chiến lược phải nâng cao năng lực cho người dân, bởi chúng ta có thể thắng một mùa vụ nhưng không thể thắng một hành trình.
Do vậy, trong chiến lược đã dành hẳn một nhiệm vụ là nâng cao năng lực cộng đồng dân cư nông thôn, người nông dân. Chúng ta mong muốn có nền nông nghiệp chuyên nghiệp thì phải có người nông dân chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp không chỉ là kỹ năng sản xuất mà cả kỹ năng ứng phó với thị trường.
Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn theo Báo danviet.vn