Hỗ trợ bảo vệ rừng bèo bọt, hơn 2.300 người nghỉ việc

         Mức hỗ trợ bảo vệ rừng chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu thực tế. Từ năm 2020 đến 7/2022, có 2.321 kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng nghỉ việc. 
         Trả lời Báo Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề “Hỗ trợ bèo bọt, có đủ sức giữ rừng?", liên quan đến dự thảo Thông tư về quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp của Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đang được Bộ Tài chính xin ý kiến nhân dân, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng: Đây là mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho bảo vệ rừng thực hiện theo cơ chế, chính sách hiện hành theo khoản 1 Điều 91 Nghị định số 156 ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

         Như vậy mức hỗ trợ này là chưa đảm bảo để phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ rừng. Và thực tế đã minh chứng hiện nay có rất nhiều kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng xin nghỉ việc. Còn các trường đào tạo về lâm nghiệp không thu hút được sinh viên.
         Chính sách và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với nhiệm vụ
         Theo Tổng cục Lâm nghiệp, công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian vừa qua nhận được sự quan tâm chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 13 ngày 12/1/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng.
         Bộ NN-PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp đã tích cực tham mưu ban hành, hoàn thiện các cơ chế chính sách pháp luật liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác này. Chủ trương xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng, đa dạng hoá các thành phần kinh tế trong lâm nghiệp, giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng đã đi vào cuộc sống.

         Đặc biệt, công tác quản lý bảo vệ rừng đã được các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp. Nhờ đó, số vụ vi phạm và diện tích rừng bị ảnh hưởng năm sau đều giảm so với năm trước, nhất là các hành vi về phá rừng, khai thác rừng trái phép, lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật. Tỷ lệ che phủ rừng tăng qua các năm.
         Tuy nhiên, ghi nhận của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, cuộc sống của người dân ở các khu vực gần rừng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn thu nhập từ rừng, từ đó tạo sức ép không nhỏ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.
         Có một vấn đề cũng rất đáng lưu ý, đó là thực trạng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng bỏ việc, thôi việc xảy ra ngày càng nhiều do áp lực về công tác bảo vệ và phát triển rừng; chính sách và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với nhiệm vụ (thường xuyên ở xa nhà nhiều tháng, lương thấp…).
         Mức hỗ trợ chưa đáp ứng được 25% nhu cầu thực tế
         Cụ thể, theo tính toán của Tổng cục Lâm nghiệp, định mức bảo vệ rừng tính đúng tính đủ khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/ha/năm. Trong khi, mức hỗ trợ bảo vệ rừng hiện nay, đối với bảo vệ rừng đặc dụng (100 nghìn đồng/ha/năm); khoán bảo vệ rừng (bình quân 300 nghìn đồng/ha/năm; tại các xã khu vực II, III là 400 nghìn đồng/ha/năm; khu vực ven biển là 450 nghìn đồng/ha/năm).
         Do vậy, mức hỗ trợ hiện nay chưa đảm bảo, chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 - 1/4 nhu cầu thực tế. Mặc dù Tổng cục Lâm nghiệp đã có nhiều giải pháp tham mưu và kêu gọi hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau như: chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế... nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn.
         Số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy rõ bức tranh u ám trong phát triển lực lượng bảo vệ rừng. Cụ thể, đối với kiểm lâm, từ năm 2020 đến hết tháng 7/2022 toàn quốc có 847 người nghỉ việc (công chức 525 người, viên chức 112 người, lao động hợp đồng 210 người), trong đó năm 2020 - 2021 là 599 người, năm 2022 là 248 người.
         Còn đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, từ năm 2020 đến hết tháng 7/2022 toàn quốc có 1.474 người nghỉ việc (công chức 3 người, viên chức 487 người, lao động hợp đồng 984 người), trong đó năm 2020 - 2021 là 1.021 người, năm 2022 là 453 người.
         Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên được Tổng cục Lâm nghiệp xác định là do điều kiện làm việc của kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng khó khăn vất vả, nguy hiểm, áp lực lớn, chính sách đãi ngộ, thu nhập thấp chưa tương xứng với tính chất công việc đảm nhiệm.
         Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ, đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng hiện nay còn rất thấp, không đủ trang trải cho các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng; cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc tạm bợ, thiếu thốn. Nhiều nơi kinh phí cấp hàng năm còn chậm dẫn đến chủ rừng nợ tiền lương, tiền công làm cho người lao động có tâm lý chán nản.
         Việc đề xuất tăng mức kinh phí bảo vệ và phát triển rừng là cần thiết
         Theo quy định của Luật Lâm nghiệp, Nhà nước đảm bảo kinh phí bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng tự nhiên là rừng sản xuất. Đối với kinh phí bảo vệ và phát triển rừng cần được nghiên cứu, đề xuất, tính đúng, tính đủ trên cơ sở các định mức; có đủ căn cứ, cơ sở thực tiễn để đảm bảo hỗ trợ bảo vệ rừng.

         Tuy nhiên, theo dự thảo đề xuất của Bộ Tài chính, mức hỗ trợ đối với Ban quản lý rừng, Ủy ban nhân dân cấp xã 100.000 đồng/ha/năm. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức được Nhà nước giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên, mức hỗ trợ 300.000 đồng/ha/năm (Áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 6 Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg: "Khoán quản lý bảo vệ rừng: Bình quân 300.000 đồng/ha/năm. Mức cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Trong đó hỗ trợ chi phí lập hồ sơ giao khoán quản lý bảo vệ rừng là 50.000 đồng/ha/5 năm).
         Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổng cục Lâm nghiệp đang tham mưu cho Bộ NN-PTNT đang trình Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trong đó, có định mức hỗ trợ về hoạt động quản lý, bảo vệ rừng theo các loại rừng.
         Tuy vậy, ngân sách nhà nước còn hạn chế; yêu cầu việc ban hành các cơ chế, chính sách trong giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo không tăng so với giai đoạn trước. hiện nay, một số định mức trong Nghị định chính sách mới cơ bản đang kế thừa các định mức của cơ chế, chính sách của giai đoạn trước.
         Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh rằng, việc bảo vệ rừng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm nhiệm của chủ rừng, của toàn thể xã hội. Do vậy, cần triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, thống nhất, tiếp tục hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, trong đó việc nâng mức kinh phí hỗ trợ đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn bảo vệ rừng là cần thiết.
         Ngoài ra, cần huy động các nguồn lực để thực hiện bảo vệ và phát triển rừng; triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; các nguồn lực cho bảo vệ rừng. Rà soát bổ sung đảm bảo hài hòa khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và yêu cầu thực tiễn, tạo động lực kinh tế, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
         “Việc đề xuất tăng mức kinh phí bảo vệ và phát triển rừng là cần thiết, trên cơ sở tính đúng, tính đủ theo các định mức; có đủ căn cứ, cơ sở thực tiễn để đảm bảo hỗ trợ bảo vệ rừng. Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nâng mức bảo vệ và phát triển rừng”, Tổng cục Lâm nghiệp kiến nghị.
         Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổng cục Lâm nghiệp đang tham mưu cho Bộ NN-PTNT trình Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trong đó có định mức hỗ trợ về hoạt động quản lý, bảo vệ rừng theo các loại rừng.
         Trong thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục tham mưu Bộ NN-PTNT tiếp tục phối hợp có ý kiến để Bộ Tài chính, các Bộ ngành đồng thuận việc nâng mức hỗ trợ bảo vệ rừng, đảm bảo hài hòa khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và yêu cầu thực tiễn, tạo động lực kinh tế, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

                                                                Nguồn: Theo báo nongnghiep.vn

 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang