Nghị định 04/2020/NĐ-CP ban hành ngày 3/1/2020 đã nâng mức phạt tiền đối với một số vi phạm trong buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.
          Ngày 03/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 04/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
          Theo đó, vẫn áp dụng mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật khi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn; không duy trì điều kiện về buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo qui định tại Điều 63 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật trong quá trình hoạt động kinh doanh; buôn bán thuốc bảo vệ thực vật chung với các loại hàng hóa khác như lương thực, thực phẩm, hàng giải khát, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc y tế, thuốc thú y. Nghị định 04/2020/NĐ-CP đã bổ sung thức ăn thủy sản vào trong danh mục hàng hóa khác không được phép bán chung với thuốc bảo vệ thực vật cho phù hợp với tình hình thực tế tại các cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hiện nay. Nghị định vẫn áp dụng mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với việc buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng dưới 3 kg (3 lít) thuốc thành phẩm.
          Khung hình phạt qui định trong Nghị định 04/NĐ-CP được qui định cao so qui định cũ trong Nghị định 31/2016/NĐ-CP; nhất là đối với hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam; nhưng vẫn căn cứ vào số lượng hàng hóa vi phạm. Trong khi đó, mức phạt tiền qui định đối với hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng; thuốc không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được qui định khác với mức phạt tiền đối với hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có trong Danh mục thuốc  bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, nhưng đều được căn cứ vào trị giá tài sản; đây là một điểm qui định mới so với quy định cũ căn cứ vào số lượng hàng hóa vi phạm.
          Một số hành vi vi phạm khác cũng bị nâng mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (so với qui định cũ là 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng) như buôn bán thuốc bảo vệ thực  vật dưới dạng ống tiêm thủy tinh; buôn bán thuốc bảo vệ thực vật dùng để xông hơi khử trùng cho người không có thể hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật hoặc tổ chức không có Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; hướng dẫn sử dụng cho người mua thuốc bảo vệ thực vật không đúng nội dung trên nhãn thuốc bảo vệ thực vật; buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian đang bị đình chỉ hoạt động buôn bán, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc.
          Một số biện pháp khắc phục hậu quả được qui định trong Nghị định là buộc thu hồi, trả lại nhà sản xuất hoặc nhà phân phối để tiêu hủy hoặc tái chế thuốc còn khả năng tái chế đối với thuốc hết hạn sử dụng, thuốc không đảm bảo chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; buộc tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, thuốc không có tên trong Danh mục thuốc Bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, thuốc dưới dạng ống tiêm thủy tinh.
          Nghị định 04/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 18/02/2020./.

                                                                                                    - Nguyễn Thị Phương Vinh -
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang